Giúp em học tốt Ngữ văn lớp 7 tập một – Điệp ngữ

Đang tải...

Điệp ngữ – Văn 7

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.

Ví dụ:

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi 

Nghe gọi về tuổi thơ

(Xuân Quỳnh)

2. Điệp ngữ có nhiều dạng:

– Điệp ngữ cách quãng (như ví dụ trên đây)

– Điệp ngữ nối tiếp:

                      Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa

                      Thương em, thương em, thương em biết mấy.

(Phạm Tiến Duật)

– Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng):

 

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

(Đoàn Thị Điểm (?)

B. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU

I. Điệp ngữ và tác dụng của điệp ngữ

Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp như vậy gọi là phép điệp ngữ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.

Ví dụ:

Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.

(Vũ Bằng)

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai?

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt?

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt?

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên?.

(Ca dao)

Điệp ngữ vừa để nhấn mạnh ý, vừa để tạo ý, vừa tạo cho câu văn, câu thơ giàu âm điệu, làm cho giọng văn tha thiết, nhịp nhàng hoặc hào hùng, mạnh mẽ, nhiều rung cảm, gợi cảm.

Ví dụ:

Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào… Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…

(Minh Hương)

Điệp ngữ Tôi yêu trong ví dụ trên đã làm nổi bật tình yêu nồng nhiệt, say đắm của tác giả đối với Sài Gòn, giọng văn trở nên sôi nổi, tha thiết.

1. Ở khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài Tiếng gà trưa, những từ được lặp lại là:

– Khổ đầu: nghe

– Khổ cuối: vì bà.

Lặp đi lặp lại những từ ngữ trong khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài Tiếng gà trưa như vậy có tác dụng làm nổi bật nỗi nhớ quê hương tha thiết của người chiến sĩ và nỗi nhớ ấy trở thành động lực cho người chiến sĩ cầm súng lên đường.

II. Các dạng điệp ngữ

Điệp ngữ có nhiều dạng:

– Điệp ngữ cách quãng: là điệp ngữ được lặp lại gián cách trong văn bản.

Ví dụ:

Ai bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới biết được người “mê luyến mùa xuân”.

(Vũ Bằng)

– Điệp ngữ nối tiếp: là điệp ngữ mà từ ngữ được lặp lại nối tiếp nhau trong một chuỗi lòi nói.

Ví dụ:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.                          

(Hồ Chí Minh)

– Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng): là điệp ngữ mà từ ngữ được lặp lại ở cuội câu trước và đầu câu sau.

Ví dụ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

 

(Đoàn Thị Điểm)

So sánh điệp ngữ trong khổ thơ đầu của bài Tiếng gà trưa với điệp ngữ trong hai đoạn thơ ở SGK, trang 152, tìm ra đặc điểm của mỗi dạng.

– Điệp ngữ trong khổ thơ đầu bài Tiếng gà trưa là điệp ngữ cách quãng.

– Điệp ngữ trong đoạn thơ (a) ở SGK, trang 152 là điệp ngữ nối tiêp.

– Điệp ngữ trong đoạn thơ (b) ở SGK, trang 152 là điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

Chú ý: Điệp ngữ mang tính nghệ thuật về diễn đạt. Điệp ngữ khác hẳn với cách nói, cách viết lặp do nghèo nàn về vốn từ, do không nắm chắc cú pháp. Đó là một trong những lỗi cơ bản về câu. Các em cần chú ý để phân biệt.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này nêu ra hai yêu cầu:

– Tìm điệp ngữ trong những đoạn trích ở SGK, trang 153.

– Nêu tác dụng của những điệp ngữ đó.

a) Điệp ngữ: một dân tộc đã gan góc, dân tộc đó phải được.

Tác giả nhằm nhấn mạnh tính tất yếu của việc giành độc lập, tự do của một dân tộc thuộc địa.

b) Điệp ngữ: trông.

Việc sử dụng điệp ngữ trông trong bài ca dao cho thấy tính chất vất vả của công việc nhà nông: dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên.

2. Bài tập này nêu ra hai yêu cầu:

– Tìm điệp ngữ trong đoạn văn ở SGK, trang 153.

– Xác định điệp ngữ đã được sử dụng.

Cụ thể:

Điệp ngữ trong đoạn văn của Khánh Hoài là: xa nhau, một giấc mơ.

Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thê sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là môt giấc mơ. Một giấc mơ thôi.

(Khánh Hoài)

Đây là dạng điệp ngữ nối tiếp.

3. Bài tập nêu ra hai yêu cầu:

– Xem xét các từ ngữ lặp lại ở đoạn văn trong SGK, trang 153 có tác dụng biểu cảm hay không?

– Sửa lại đoạn văn trong SGK, trang 153 cho tốt hơn.

Để làm được bài tập này, các em cần:

– Đọc kĩ các đoạn văn và gạch chân dưới những từ ngữ được lặp lại.

– Xem các từ đó có phải là lặp một cách có ý thức, có giá trị nghệ thuật hay không?

– Trên cơ sở đó, các em thay thế (hoặc lược bỏ) những từ ngữ đó để có được đoạn văn hoàn chỉnh.

a) Việc lặp từ ngữ ở đây là không cần thiết, khiến cho câu văn rườm rà, nặng nề, lủng củng.

b) Có thể sửa như sau:

Phía sau nhà em có một mảnh vườn. Trên mảnh vườn ấy, em trồng rất nhiều loài hoa: nào là hoa cúc, hoa thược dược, hoa đồng tiền, hoa hồng và cả hoa lay ơn nữa. Nhân ngày Phụ nữ quốc tế, em hái hoa tặng mẹ, tặng chị.

4. Bài tập này nêu ba yêu cầu:

– Viết đoạn văn ngắn có sử dụng điệp ngữ;

– Trao đổi bài viết với các bạn khác;

– Nêu nhận xét về cách dùng điệp ngữ trong bài của bạn.

Khi viết đoạn văn, các em cần chú ý không được nhầm lẫn lặp từ với việc sử dụng các điệp ngữ.

Các em có thể tham khảo đoạn văn dưới đây:

Ngày Tết ở Bắc, rỗi rãi mà đi xem hết hội này đến lễ kia như thế, phải nói thật quả là mình sung sướng như tiên. Tết đi thăm nhau, chúc mừng nhau, uống rượu ăn mứt, ăn kẹo với nhau, vui quá thể, ai mà lại còn không biết; nhưng vui thấm thìa, vui ý nghĩa, vui sâu xa thì phải nói thực, đó là nhờ những đám rước, những tục cổ, những trò chơi như thế.

Các trò chơi như thế cố một ý nghĩa xã hội rõ rệt. Tết xiết chặt tình yêu hơn lên, Tết là ngày giải lao, Tết là ngày vui vẻ đoàn kết, đoàn kết người sống với người chết và đoàn kết người sống với người sống.

(Vũ Bằng)

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận