Giúp em học tốt Ngữ Văn 7 – Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) – Nguyễn Trãi

Đang tải...

Bài ca Côn Sơn – Nguyễn Trãi 

A. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất của dân tộc. Ông lấy hiệu là Ức Trai, quê gốc ở Hải Dương nhưng sinh sống ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, con gái của tể tướng Trần Nguyên Đán. Phụ thân của ông đỗ Tiến sĩ năm 1374 dưới triều Trần nhưng lại ra làm quan cho nhà Hồ. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và cũng ra làm quan (chức Ngự sử đài chánh trưởng). Khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã tham gia phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Với cương vị là Tuyên phụng đại phu Hàn Lâm thừa chỉ của nghĩa quân, ông đã giúp Lê Lợi lãnh đạo nhân dân ta đánh tan giặc Minh vào năm 1428. Nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, triều đình nhà Lê rơi vào khủng hoảng mâu thuẫn. Các khai quốc công thần, người bị giết hại (Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo), người bị bãi miễn (trong đó có Nguyễn Trãi). Năm 1430, Nguyễn Trãi xin cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442 một thảm kịch xảy đến: ông bị khép vào tội âm mưu giết vua. Ông phải chịu án tày trời: tru di tam tộc chỉ vì “vua bị cảm mà qua đời” tại Lệ Chi Viên trên đường về kinh thành sau khi ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Phải đến hai mươi năm sau (1464), Lê Thánh Tông mới xuống chiếu rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy phong ông chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, tước Tán trù bá và cất nhắc người con trai còn lại duy nhất của ông là Nguyễn Anh Võ làm Tri huyện. Nhà vua cũng ra lệnh sưu tầm di cảo thơ vần của ông. Nhờ đó, một phần tác phẩm, quý giá của ông còn giữ lại được đến bây giờ.

Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, phong phú, trong đó có “Bình Ngô đại cáo”, “Lam Sơn thực lục”, “Dư địa chí”, “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập”, “Quân trung từ mệnh tập”,… Thơ văn Nguyễn Trãi trước hết là lòng yêu nước, thương dân kết hợp với lòng yêu đời nhất quán.

Bài “Côn Sơn ca” rút trong tập thơ chữ Hán “Ức Trai thi tập”. Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong những năm cuối đời, khi đã về Côn Sơn ở ẩn.

B. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK

1. Câu hỏi 1 SGK, trang 80

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc đoạn trích trong SGK, căn cứ vào lời giới thiệu của thể thơ lục bát, đối chiếu với đoạn trích chỉ ra các dấu hiệu đó.

b) Gợi ý trả lời

Đoạn trích gồm tám câu, bốn câu sáu chữ và bốn câu tám chữ.

Về cách gieo vần, từ cuốĩ của câu sáu vần với từ thứ sáu của câu tám và cứ như thế đến cuối bài. Ở đây từ “rầm” câu trên vần với từ “cầm” câu dưới, từ “phơi” của câu sáu vần với từ “ngồi” của câu tám; từ “êm” vần vối từ “nêm”…

2. Câu hỏi 2 SGK, trang 80

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc đoạn dịch và chú ý sự xuất hiện nhiều lần của đại từ “ta”. Vận dụng kiến thức về đại từ này để hiểu được nhân vật trữ tình ở đây là ai? Cách nhìn nhận về thiên nhiên cảnh vật được thể hiện như thế nào qua đoạn trích? Qua đó phản ánh nét gì trong tâm hồn của ngưòi cảm nhận.

b) Gợi ý trả lời

Bài thơ này là một sáng tác của Nguyển Trãi trong thời gian ông ở ẩn tại Côn Sơn – quê hương của ông. Trong tiếng Việt “ta” là từ để tự xưng khi nói với người khác thường với tư cách người trên, có sắc thái tự hào bản thân.

Ở đây đại từ “ta” được nhắc lại tới bốn lần trong tám câu thơ. Chính vì thế, dễ dàng nhận ra nhân vật “ta” trong đoạn trích này chính là tác giả. Tác phẩm là lời khoe và cũng là lời tâm sự, tâm tình của chính tác giả trước cảnh thiên nhiên nên thơ.

Qua cách miêu tả ví von cho thấy, cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn của nhà thơ thật tinh tế và tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết. Câu thơ đầy tiếng nhạc, nhạc của suối, nhạc của tâm hồn yêu đời, giao cảm với thiên nhiên. Và Nguyễn Trãi – nhân vật “ta” ở đây đã tự cho mình hơn người khác vì được hưởng sự ban tặng “giàu có”, “cao sang” này từ thiên nhiên. Tâm hồn ông thực sự giao hòa và cảm khoái trong thiên nhiên, không vướng bận ham muốn của con người xã hội.

Với ngòi bút đặc tả của Nguyễn Trãi cảnh vật của Côn Sơn hiện lên đầy đủ, sinh động như một bức tranh có nhạc và thơ. Tiếng suối chảy róc rách, rì rầm mà nhà thơ thích thú cho là “tiếng đàn cầm” (cầm nguyệt), phiến đá Thạch Bàn qua mưa, nắng rêu phơi xanh biếc, nhà thơ lại cho là “đệm chiếu”. Tất cả những cảnh vật của tự nhiên trở thành một phần của cuộc sống, của cuộc đời Ức Trai. Nhạc của suối trở thành đàn để mua vui những tháng ngày ở ẩn, còn rêu trên đá lại hóa thành đệm ru giấc nồng. Hai hình ảnh so sánh đầy thi vị, giàu chất thơ. Cách nhìn nhận đó về cảnh vật thể hiện một tâm hồn tự do, phóng khoáng, giao hòa với thiên nhiên.

3. Câu hỏi 3 SGK, trang 8

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại đoạn thơ trong SGK và chú ý những chi tiết miêu tả về thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây được tác giả thể hiện qua những hình ảnh nào, tại sao lại lựa chọn những hình ảnh đó. Đồng thời chú ý cả những biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng để miêu tả thiên nhiên.

b) Gợi ý trả lời

Trước hết Côn Sơn ca là một bức tranh về phong cảnh hữu tình của thiên nhiên cảnh vật nơi dãy núi Côn Sơn. Đoạn thơ như một bức tranh tứ bình thể hiện vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên: suối, đá, tùng, trúc. Miêu tả về Côn Sơn, nhà thơ không chú ý đến núi non hùng vĩ, hay một cảnh đẹp lạ thường nào khác mà đơn giản chỉ là những gi hết sứe gần gũi, quen thuộc với cuộc sông của “ẩn sĩ”. Nhưng tất cả cảnh vật ở đây đều được nhà thơ liên tưởng đến những hình ảnh hết sức th’i vị. Tiếng suối chảy róc rách, qua những khe núi mà nhà thơ thích thú cho là đàn cầm:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Câu thơ như có tiếng nhạc, nhạc của suối để mua vui những ngày tháng thi sĩ ở ẩn. Theo mạch cảm xúc của nhà thơ, chúng ta tiếp tục được ngắm nhìn cảnh đẹp của Côn Sơn với đá rêu phơi, thông xanh và bóng trúc. Tất cả đã từ thiên nhiên đi vào đời sống, vào tâm hồn của thi nhân một cách tự nhiên, thi vị. Đá được mựa xốì làm cho phẳng lì, rêu phơi màu xanh biếc, lại ngỡ là chiếu êm; thông xanh lại trở thành “muôn dặm chiếu lọng xanh rủ bóng”. Xưa nay, thông đã đi vào lịch sử thơ ca như biểu tượng của chí khí người quân tử hiên ngang, không bao giờ chịu cúi đầu. Nhưng ở đây thông gần gũi hơn, thơ mộng hơn khi được tác giả hình dung như muôn chiếc lọng xanh rủ bóng. Với nghệ thuật ẩn dụ, Nguyễn Trãi đã tạo nên một hình tượng hết sức mĩ lệ. Bóng trúc trùng điệp nghìn mẫu cũng, trở thành một tấm màn khổng lồ che mát cho thi nhân sáng tấc. Bóng thông, màu xanh bạt ngàn của núi trúc như che chở, tỏa mát tâm hồn Ưc Trai. Bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Trãi không -thiên về đặc tả mà chỉ gợi hình ảnh bằng những liên tưởng thú vị. Thiên nhiên được nhìn qua con mắt khoáng đạt, tự do, giàu tình cảm, lạc quan của thi nhân đã trở nên gần gũi hơn, nên thơ hơn. Suối, đá, thông, trúc những cánh vật hết sức bình thưòng ở vùng núi Côn Sơn đã trở thành nơi nương tựa, nâng đỡ tẩm hồn, là đối tượng để thi nhân giao hòa, giao cảm. Hình tượng thơ là âm thanh của khúc nhạc rừng, là màu xanh bất tận của núi rừng, của thiên nhiên, của sự sống. Đó không chỉ là bức tranh phong cảnh mà còn là tâm hồn của thi sĩ yêu thiên nhiên tha thiết và hết sức thư nhàn.

4. Câu hỏi 4 SGK, trang 80

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Cặp câu lục bát thứ tư trong bài miêu tả cảnh rừng trúc, trong đó nổi bật lên hình tượng thi nhân đang “ngâm thơ nhàn”. Hãy hình dung tâm trạng của thi sĩ phải như thế nào mới có tư thế đó. Liên hệ với kiến thức về cuộc đời của Nguyễn Trãi giai đoạn này và quê hương Côn Sơn của ông để thấy được những nét về con người được thể hiện qua bài thơ.

b) Gợi ý trả lời

Hình ảnh “ta” ngâm thơ nhàn dưới bóng râm của trúc biểu lộ một tư thế ung dung, thư thái của thi nhân. Đây cũng là hình ảnh của những bậc quân tử, những thi sĩ thường thấy trong thơ văn xưa là khi họ đã trở về với cuộc sống ẩn dật ở làng quê.

Năm 1430, khi đối diện với thực tế “cay đắng” chốn quan trường, khai quốc công thần bị giết hại, quan lại trong triều bon chen, tranh giành quyền chức… Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Đây là quê hương của ông, chính vì thế ông về với Côn Sơn là về vối chốn cũ, vườn xưa, với bầu bạn…

Hình ảnh một thi nhân đang thảnh thơi ngâm thơ dưới bóng trúc rất thi vị. Có cảm giác con người ở đây đã quên đi cái bộn bề của cuộc sống trần tục, trở về với làng, quê bình dị, êm ả và thanh tao. Câu thơ gợi lên tư thế của một thi sĩ đang đắm chìm, hòa mình trong khung cảnh thanh bình của thiên nhiên để tâm hồn mình thăng hoa, để sáng tạo. Cuộc sống còn gì vui hơn? Quả thật Nguyễn Trãi đã sống như “người tiên” trong cõi thực, giản dị, nghèo về vật chất nhưng giàu có về tinh thần.

5. Câu hỏi 5 SGK, trang 81

a) Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại đoạn thơ dịch trong sách và liên hệ kiến thức về điệp từ để trả lời câu hỏi này, việc sử dụng diệp từ khi đọc lên ta thấy có cảm giác gì?

b) Gợi ý trả lời

Đây là bản dịch có khác nhau về thể thơ, nhưng tác giả đã dịch rất sát với văn bản chữ Hán của Nguyễn Trãi. Chính vì thế, chúng ta có thể tìm thấy hiện tượng điệp từ trong văn bản dịch cũng gần thống nhất vói văn bản tiếng Hán.

Trong đoạn thơ từ Côn Sơn nhắc lại hai lần, từ “như” nhắc lại ba lần trong ba hình ảnh so sánh với tiếng đàn cầm, chiếu êm, thông mọc như nêm; đặc biệt là từ “ta” được nhắc lại tới bốn lần chỉ trong tám câu thơ. Những điệp từ tạo nên nhạc điệu du dương, trầm bổng của câu thơ. Đọc câu thơ ta cảm giác như có tiếng nhạc, nhạc của núi rừng, nhạc của tâm hồn thi sĩ. Đại từ “ta” có khi đứng đầu câu, có khi thì đứng ở giữa câu, khi lại liên kết hai từ tạo nên sự uyển chuyển gợi cảm của câu thơ khiến ta liên tưởng trong bức tranh tươi đẹp đầy sắc màu, âm thanh và bạt ngàn của thiên nhiên đó luôn thấp thoáng một bóng người thư-thái như thể vị chủ nhân.

Tư liệu tham khảo

Tham khảo bài phân tích Côn Sơn ca (Bài ca Côn Sơn) rất đặc sắc dưới đây:

BÀI CA CÔN SƠN CỦA NGUYỄN TRÃI

Côn Sơn không chỉ là mảnh đất quê mà còn là mảnh đất tâm hồn của Nguyễn Trãi. Và trên mảnh đất ấy cũng lai láng một dòng sông tuổi thơ.

Nguyễn Trãi đã viết rất nhiều về Côn Sơn và Côn Sơn là nguồn cảm hứng lớn, không bao giờ vơi cạn của hồn thơ Ức Trai. Chính vì vậy bao nhiêu thơ về Côn Sơn là bấy nhiêu xúc động, bấy nhiêu tâm trạng, tâm tình. Xa quê, nhớ quê, mộng về quê đã đành: “Kỉ thác mộng hồn tầm cố lí” (Quê quán hằng đem hồn gửi mộng). Ở giữa núi quê, sống với non quê mà vẫn mộng về quê: “Hương lí tài qua như mộng đáo” (Vừa lại quê nhà như thấy mộng). Côn Sơn là một niềm thao thức lốn trong thơ Ức Trại. Kết thúc bài thơ “Khất nhân họa Côn Sơn đồ” (Nhờ người vẽ tranh Côn Sơn), Nguyễn Trãi muốn “cậy người vẽ giỏi trong thiên hạ, vẽ Côn Sơn mà vẽ cả ra tấm lòng ta” (Bằng trượng nhân gian cao hạ thủ – Bút đoan tả xuất nhất ban tâm). Vẽ Côn Sơn mà vẽ cả tấm lòng nhà thơ! Đó là một yêu cầu khó có họa sĩ tài năng nào làm nổi. Thế nhưng, với Bài ca Côn Sơn, chính Ức Trai đã làm điều kì diệu ấy.

Bài ca Côn Sơn – bài ca thiên nhiên và bài ca tâm trạng. Hai bài ca này quyện hòa thống nhất trong cảm xúc của thi nhân “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Vì vậy, khi phân tích ta có thể tách riêng để tìm hiểu, nhưng lại không được quên rằng chúng thống nhất trong một chủ thể trữ tình.

Nguyễn Trãi nhiều lần ca ngợi vẻ đẹp Côn Sơn, nhưng ít có điều kiện miêu tả trực tiếp như trong Bài ca Côn Sơn này. Trong bài ca, nhà thơ nói tới cảnh vật Côn Sơn khá đầy đủ: dòng suối, phiến đá, rừng tùng, rừng trúc. Đáng lưu ý là cảnh vật Côn Sơn được gợi lên bằng ngòi bút đặc tả: suối chảy róc rách, rì rầm như tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt; phiến đá thạch bàn qua mưa, rêu phơi xanh biếc như phủ chiếu êm; cây tùng xòe tán lá như chiếc lọng xanh; rừng trúc bạt ngàn màu xanh tươi mát. Với nét vẽ đặc tả này, cảnh rừng Côn Sơn hiện lên mang những đặc điểm riêng không lẫn với bất cứ bức tranh sơn thuỷ hữu tình nào.

Côn Sơn được gợi lên với vẻ đẹp sống động, đầy ắp âm thanh, đậm đà màu sắc với cảnh vật được cảm nhận qua tâm hồn Ức Trai giàu chất nhạc, chất họa, chất thơ.

Nguyễn Trãi về với Côn Sơn là về với ngôi nhà của mình. Ta hãy để ý giọng thơ phóng khoáng, nhịp thơ thoải mái, câu thơ tự do trong nguyên văn chữ Hán:

 

Côn Sơn hữu tuyền

Kì thanh linh nhiên

Ngô dĩ vi cầm huyền

Côn Sơn hữu thạch

Vũ tẩy đài phô bích

Ngô dĩ vi đạm tịch.

Nhịp thơ trên như nhịp của phách, nhịp của bộ gõ, vừa đệm nhạc, vừa tạo tiết tấu cho lời ca. Chính chất hào sảng trong tâm hồn đã tạo nên chất hào sảng của thơ. Bao nhiêu năm bận rộn công việc, lòng đầy âu lo việc dân, việc nước, những năm cuối đòi lại sống trong vòng tị hiềm, ghen ghét, khi trở về Côn Sơn, Nguyễn Trãi thấy mình thật tự do. Đọc thơ, giữa cảnh thấy người, thấy Nguyễn Trãi khi nằm nghỉ, lúc dạo chơi, khi chuyện trò tâm sự, lúc cao giọng ngâm nga… Một Nguyễn Trãi thanh bạch, giản dị, ung dung mà hào phóng, cởi mở. Ức Trai như cánh chim sổ lồng, vui say sưa giữa núi rừng quê nhà. Bản dịch thơ lục bát đã cố gắng lột tả cái tâm trạng tự do, khoáng đạt của Nguyễn Trãi khi về vói Côn Sơn, nhưng cái nhịp điệu như nước suối reo, như bước chân lên xuống, khi chạy, khi dừng thì bản dịch đã không lột tả được.

Nguyễn Trãi đang vui với Côn Sơn, suối nước thành suối nhạc, rêu xanh thành thảm biếc, tán tùng thành ô lọng… bỗng nhiên giọng thơ như lắng xuống, hơi thơ như nén lại rồi bật trào ra… Mình đã về đầy, về sông giữa Côn Sơn, lần này về hẳn, khác bao lần trước, vậy mà vẫn còn tự vấn:

Về đi sao chẳng sớm toan

Nửa đời vương vấn bụi trần làm chi?

Câu hỏi đó làm ta thấy lạ. Nhưng chưa hết, ngạc nhiên hơn nữa khi Nguyễn Trãi ca khúc Quy khứ lai từ của Đào Tiềm, thanh thản, nhẹ tênh. Có vẻ như Ức Trai còn đi xa hơn Đào Tiềm, đi lạc hơn Đào Tiềm với những câu thơ triết lí đầy chất phóng nhiệm:

Trăm năm trong cuộc nhân sin

h Người như cây cỏ thân hình nát tan.

Núi gò đài các đó đây

Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.

Một ngưòi yêu ghét phân minh, rạch ròi như Nguyễn Trãi lẽ nào lại xếp Đổng Trác, Nguyên Tải cùng vối Bá Di, Thúc Tề vào chung một số kiếp để cảm thông? Lại nữa, ngươi như Nguyễn Trãi “một tấm lòng son ngòi lửa luyện” lẽ nào có thể dửng dưng trước quy luật:

Hết ưu lạc đến bi hoan

Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Nên hiểu thế nào về tâm trạng Nguyễn Trãi, nên đánh giá thế nào quan niệm nhân sinh trong Bài ca Côn Sơn? Nguyễn Trãi để lại đời sau một khối mâu thuẫn lớn hay chúng ta đã mâu thuẫn khi nhìn nhận ức Trai?    

Trước hết phải thấy với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là tiếng gọi trở về. Tiếng gọi ấy tha thiết, mãnh liệt ngay cả khi ông làm “cánh chim bằng biển Bắc… cưỡi gió lên cao chín vạn dặm”, ngay cả khi ông như “ngựa già đường xa kham ruổi”. Côn Sơn không chỉ là tiếng gọi của quê hương mà còn là tiếng vọng của vũ trụ thôi thức ông trở về di dưỡng tinh thần, hòa nhập với tự nhiên. “Quy khứ lai” với ức Trai không phải là mong ước được nghỉ ngơi, cũng không đơn thuần là tránh vòng danh lợi. Trúc Côn Sơn tiết cứng thẳng ngay, một lòng một dạ, không phải chỉ vì xa chốn bụi trần nơi phồn hoa đô hội mà còn vì được sống giữa trời nước bao la, hít thở cái không khí tự nhiên trong lành của vũ trụ. về Côn Sơn, Nguyễn Trãi có điều kiện thoát vòng danh lợi, được sống tự nhiên theo sở thích, nhưng ông lại phải dồn nén nhiệt tâm hành động, phải từ bỏ khát khao “nhập thế” vốn là bản chất của ông. Vui đó nhưng buồn đó. Buồn nhiều hơn vui. Nhưng cái buồn sâu sắc nhất trong Bài ca Côn Sơn có lẽ không hoàn toàn ở vấn đề nhập thế hay xuất thế, ở việc ông phải sông ẩn dật tại Côn Sơn. Nguyễn Trãi buồn vì một lẽ khác. Nỗi buồn của ông mang tầm nhân loại: tồn tại và không tồn tại. Sau bao năm tháng thăng trầm, từng chiêm nghiệm, xét suy “lẽ hưng phế đắn đo càng kĩ”, lúc trở về Côn Sơn, Nguyễn Trãi mối lại đối diện với câu hỏi lớn theo suốt cuộc đời ông, mà có lúc do công việc ông tạm quên đi. Tồn tại và không tồn tại, vô hạn và hữu hạn, con người và vũ trụ… đâu là nhất thời, đâu là bản chất. Bài ca Côn Sơn đọc lên, ngỡ như Nguyễn Trãi đã buông xuôi trước cuộc đời, mặc cho nước trôi, hoa rụng. Nhưng không, dưới mặt nước có lúc bằng phẳng của dòng suối Côn Sơn là đá ngầm, sóng cuộn. Nguyễn Trãi buồn đau chung cho số kiếp con người: vũ trụ vô biên mà con người thì trong khoảng trăm năm đều nát cùng cây cỏ: giàu sang, vinh nhục, bon chen, kèn cựa làm gì khi vòng tạo hóa cứ như bánh xe quay nghiệt ngã. Ta tiếc một ngưòi “như cây tùng cây bách sương tuyết đã quen” là Nguyễn Trãi cũng có một giây phút yếu lòng. Nhưng ta không nên nói ông tiêu cực. Nỗi buồn của Nguyễn Trãi trong Bài ca Côn Sơn không phải là nỗi buồn riêng. Nỗi buồn đó vươn tới chỗ cảm thông cho cả số kiếp con người. Nó lớn rộng và sâu sắc. Sâu sắc vì tính nhân bản. Lớn rộng mang tầm vũ trụ và nhân loại.

Nguyễn Trãi kết thúc Bài ca Côn Sơn với hai câu thơ đầy tâm trạng:

Sào, Do bằng có tái sinh

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.

Nguyễn Trãi đồng tình hay không đồng tình với Sào Phủ, Hứa Do. Hai cao sĩ ẩn dật đời vua Nghiêu? Thật không dễ gì giải mã hai câu thơ trên. Có điều đáng lưu ý, sau khi viết Bài ca Côn Sơn không lâu, Nguyễn Trãi lại hăm hở tham gia công cuộc xây dựng đất nước theo lời mời của Lê Thái Tông.

Xuân Diệu là người có “con mắt tinh đời” đã nhận ra “cái hơi văn mạnh mẽ như “cơn gió to trút sạch lá khô” của bài Côn Sơn ca”, đã nhận ra Bình Ngô đại cáoCôn Sơn ca “khi áp dụng vào hai phạm trù thì có hai thể hiện, tuy nhiên vẫn chỉ là bản lĩnh của Ức Trai tiên sinh”.

Bài ca Côn Sơn là sự tiếp tục Bình Ngô đại cáo, cho ta hiểu thêm một Nguyễn Trãi anh hùng ở phương diện khác: dám sống thật với chính mình. Khía cạnh con người trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã nâng người anh hùng dân tộc lên tầm cao nhân loại.

(Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, 2000).

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận