Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân – SBT Ngữ Văn lớp 11

Đang tải...

Ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân Văn11

I. BÀI TẬP

1. Bài tập 1, trang 35, SGK.

2. Trong đoạn thơ sau đây, từ ngữ đều thuộc ngôn ngữ chung, quen thuộc với mọi người, nhưng cách kết hợp từ ngữ theo một biện pháp tu từ nhất định lại là sáng tạo riêng của tác giả. Hãy phân tích làm sáng tỏ điều đó.

Chớp

Rạch ngang trời

Khô khốc

Sấm

Ghé xuống sân

Khanh khách

Cười

Cây dừa

Sải tay

Bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

Mưa

Mưa

Ù ù như xay lúa

Lộp bộp

Lộp bộp…

Rơi

Rơi…

 

(Trần Đăng Khoa, Mưa)

3. Tìm những từ mới được dùng trong những lời nói ( câu văn) cá nhân sau đây và phân tích cơ sở cấu tạo của mỗi từ :

a) Nó phải bị tù tội, phải lao động khổ sai, thậm chí bị xử tử… Khuynh đay đả từng hình phạt, như thể đang hành hạ, nghiến ngấu mẹ con thằng Sa.

( Hồ Anh Thái,Người và xe chạy dưới ánh trăng) 

b) Người Việt Nam mong muốn Hon-đa quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng Việt Nam, sớm có chính sách bảo hành – hậu mãi sau bán hàng, và phải chịu trách nhiệm cao nhất về mọi sản phẩm, phụ tùng có mác Hon-đa.

(Minh Tuấn, báo Đại đoàn kết)

c) Thì ra cơn bão thị trường dù mạnh dường ấy nhưng không phải đã thổi thốc được vào tất cả mọi nơi. Nơi nào náo hoạt thì cực kì náo hoạt, nơi nào yên tĩnh thì lại càng yên tĩnh.

(Chu Lai, Phố)

4. Tìm những từ ngữ quen thuộc với mọi người nhưng được dùng theo cách kết hợp mới, theo nghĩa mới; phân tích sự sáng tạo của tác giả trong những đọan thơ sau đây:

a)

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

(Anh Thơ, Chiều xuân)

b)

Sầu đong càng lắc càng đầy,

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

c)

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

 

Đâu những lưng cong xuống luống cày

Mà bùn hi vọng nức hương ngây

Và đâu hết những bàn tay ấy

Vãi giống tung trời những sớm mai ?

(Tố Hữu, Nhớ đồng)

5. Trong câu : “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.” (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập), từ tắm đã được dùng khác biệt như thế nào so với cách dùng nó trong ngôn ngữ chung ?

6. Trong câu thơ sau đây của Xuân Diệu :

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống, lệ ngàn hàng;

– Về mật từ ngữ, những yếu tố nào thuộc phần ngôn ngữ chung ?

– Phần sáng tạo riêng của tác giả thể hiện ở những phương diện nào ?

II. GỢI Ý LÀM BÀI

1. Từ nách là từ thuộc ngôn ngữ chung, ai cũng biết, ai cũng dùng theo cùng một nghĩa gốc : mặt dưới chỗ cánh tay nối với ngực. Nhưng ở câu thơ “Nách tường bông liễu bay sang láng giềng” trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng nó theo nghĩa mới trên cơ sở chuyển nghĩa theo phép ẩn dụ: chỉ góc tường, nơi có sự giao nhau giữa hai bức tường, giống như sự giao nhau giữa cánh tay và thân mình.

2. Lời thơ của Trần Đăng Khoa là một dạng lời nói cá nhân. Trong đó, tất cả từ ngữ đều quen thuộc với mọi người, nghĩa là nằm trong vốn từ ngữ chung của xã hội. Nhưng tác giả đã có cách dùng riêng:

– Nhân hoá các sự vật, hiện tượng như chớp, sấm, cây dừa, ngọn mùng tơi; dùng nhiều từ ngữ vốn chỉ hoạt động, đặc điểm của người cho các sự vật, hiện tượng đó : rạch, ghé, khanh khách, cười, sải tay, bơi, nhảy múa,… Nhờ thế, các sự vật, hiện tượng có cuộc sống và tình cảm như con người.

– Ngoài ra, từ khô khốc được dùng theo nghĩa chuyển : chỉ tính chất của chớp khi rạch ngang trời. Sự so sánh mưa ù ù như xay lúa cũng thuộc về lời nói riêng của tác giả.

– Lời thơ được ngắt thành những nhịp ngắn, thích hợp với sự miêu tả những hoạt động, trạng thái riêng biệt, nhanh, mạnh của sự vật, hiện tượng.

3. Những từ mới được tạo ra và dùng trong các câu :

a) Đay đả: nói đi nói lại một chuyện, với giọng kéo dài, bực tức.

Cách cấu tạo:

– Dựa vào tiếng gốc đay (như trong từ đay nghiến).

– Theo phương thức láy phụ âm đầu đ- và thay vần bằng vần -a (giống phương thức cấu tạo của các từ: thật thà, mặn mà, thon thả, vất vả,...).

b) Hậu mãi : sau khi mua.

Cách cấu tạo :

– Dùng hai tiếng có sẵn hậu (sau) và mãi (mua).

– Ghép hai tiếng theo quan hệ chính phụ (giống các từ hậu chiến, hậu phẫu,...).

c) Náo hoạt : sôi nổi, sống động.

Cách cấu tạo :

– Dựa vào hai tiếng có sẵn (gốc Hán : náo, hoạt).

– Ghép hai tiếng theo phương thức ghép đẳng lập.

4. a) Các từ ngữ trong đoạn thơ đều là từ ngữ trong vốn từ vựng chung, nhưng có những kết hợp do sự sáng tạo riêng của cá nhân nhà thơ : dùng các từ ngữ đổ bụi kết họp với mưa, biếng lười, nằm mặc kết hợp với từ đò, từ đứng kết hợp với từ quán theo biện pháp nhân hoá. Tác dụng : làm cho các vật vô tri như có tâm hồn, cảm xúc.

b) Cái độc đáo của hai câu thơ là dùng các từ chỉ động tác đo đếm vật thể (đong, lắc, đầy) để kết hợp với từ sầu (chỉ trạng thái tâm lí bên trong), làm cho trạng thái tâm lí vốn trừu tượng hiện ra một cách cụ thể, có thể cảm nhận bằng cảm giác.

c) Nét riêng trong đoạn thơ thể hiện sáng tạo của cá nhân nhà thơ ở những trường hợp sau :

– Dùng từ sâu (vốn chỉ đặc điểm về không gian) cho lĩnh vực thời gian (trưa).

– Kết hợp từ hi vọng với từ bùn để thể hiện ý nghĩa : bùn sẽ mang lại mùa màng tốt tươi, từ đó có thể khái quát : những cái đơn sơ, thô kệch vẫn có thể mang lại hương thơm cho cuộc sống.

– Bàn tay vãi giống : từ nghĩa đen là bàn tay vãi hạt giống trên đồng ruộng dẫn đến nghĩa bóng là bàn tay gieo sự sống mới cho đời.

5. So với cách dùng trong ngôn ngữ chung, từ tắm trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập được dùng có một số nét riêng :

– Về nghĩa, nó không chỉ hoạt động làm sạch cơ thể bằng nước như cách dùng thông thường, mà chỉ hoạt động đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta như là dìm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

– Về ngữ pháp, nó không còn là nội động từ như cách dùng thông thường trong ngôn ngữ chung, mà kết hợp với một phụ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp là “các cuộc khởi nghĩa của ta” (trả lời câu hỏi tắm cái gì ?). Nó được dùng tương đương động từ dìm (dìm con vật xuống nước – dìm các cuộc khỏi nghĩa của ta trong những bể máu).

6. Trong câu thơ của Xuân Diệu:

– Thuộc phần ngôn ngữ chung là tất cả các từ (cả hình thức âm thanh và nghĩa gốc, vốn có).

– Thuộc phần sáng tạo riêng của tác giả là cách sử dụng từ, kết hợp từ: dùng đìu hiu, đứng chịu tang để chỉ trạng thái của cây liễu (nhân hoá), dùng tóc để chỉ cành, lá liễu (dài, mềm mại và buông xuống như tóc người). Các từ ở dòng thứ hai cũng theo biện pháp nhân hoá để miêu tả vật tự nhiên (rặng liễu) làm cho cảnh vật có hồn ngưòi.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận